Phim hay về thần thoại Hy Lạp là phim nói về ai? Trước tiên, mời bạn tìm hiểu về các vị thần trong thần thoại Hy Lạp. Tất cả được con người tưởng tượng ra nhằm lý giải những hiện tượng bí ẩn của thiên nhiên, cũng như thỏa mãn tâm tư, ước nguyện của con người. Trong đó, thần Zeus cùng với 2 người em của mình là Poseidon và Hades lần lượt thống trị trần gian, biển cả và địa ngục.
Mỗi vị thần có những đặc điểm khác nhau, cộng thêm những mối quan hệ phức tạp khiến họ có nhiều con cái cũng như kẻ thù.
Đỉnh thần linh Olympus khi được đưa lên phim không chỉ là cuộc chiến giữa các vị thần mà còn là cuộc chiến giữa người với người. Tiêu biểu là bộ phim Troy 2004 và Hercules 2014, hai bộ phim về con người trong thế giới khổng lồ của các thần linh.
Jason and the Argonauts (1963)
Một trong những bộ phim đầu tiên về Thần thoại Hy Lạp do Hollywood thực hiện trên màn ảnh rộng và đánh dấu sự tiến bộ về cách làm phim là Jason and the Argonauts.
Tác phẩm mở đầu với việc Pellias (Douglas Wilmer thủ vai) lật đổ vua Aristo để cướp vùng Thessaly. Lời tiên tri cho biết rằng một ngày nào đó, ông sẽ bị khuất phục bởi một đứa con của Aristo, kẻ chỉ mang duy nhất một chiếc dép.
Để tránh việc này, ông giết hậu duệ nhà Aristo và làm mếch lòng thần Zeus cùng Hera. Hai vị thần tối cao này đưa tay che chở đứa bé mới lọt lòng của Aristo là Jason để sau này cậu có thể thực hiện lời tiên tri. 20 năm sau, chàng trai Jason (Todd Armstrong) vô tình gặp và cứu Pelias khỏi bị chết đuối nhưng đánh rơi một chiếc dép khi bơi và khiến Pelias biết cậu chính là người sẽ kết liễu hắn.
Đến nay, hành trình gian nan của Jason vẫn được ghi nhớ bởi bộ phim từng để lại những ấn tượng sâu đậm về thị giác khi mới ra mắt. Jason and the Argonauts sử dụng thủ pháp Stop-Motion (ghép những hình ảnh tĩnh thành đoạn phim) để đưa những quái vật huyền thoại như rắn Hydra hay những bộ xương cổ quái tới với khán giả và có cảnh quay thậm chí phải mất tới bốn tháng mới hoàn tất.
Hercules (1997)
Trong Thần thoại Hy Lạp, Hercules (còn được gọi là Heracles) là người hùng vĩ đại nhất trong những vị anh hùng và lập nên những chiến công hiển hách. Vị á thần này là con trai của thần Zeus với người phàm Alcmene. Tuy nhiên trong phiên bản hoạt hình của Disney, anh lại là con đẻ của nữ thần Hera và phải sống tuổi thơ khó khăn khi bị thần địa ngục Hades hãm hại.
Hình ảnh bắt mắt, âm nhạc vui nhộn, những nhân vật thú vị… khiến Hercules trở thành một trong những phim hoạt hình được yêu thích nhất thập niên 1990.
Bộ phim không chỉ có cuộc chiến gay cấn khi Hercules giúp bảo vệ đỉnh Olympus khỏi Hades và những Titan mà còn có những giây phút lãng mạn giữa anh với cô gái Meg. Ngoài phim hoạt hình, Disney còn sản xuất một bộ phim truyền hình hay trò chơi điện tử ăn theo Hercules và cũng thành công không kém.
Troy (2004)
Người hùng thành Troy – Troy (2004) là bản trường ca bi tráng Illiad của Homer về trận chiến thành Troy phiên bản điện ảnh là bộ phim ăn khách năm 2004 với gần 500 triệu USD doanh thu. Bộ phim sử thi quy tụ dàn sao nam hạng A bao gồm Brad Pitt, Eric Bana và Orlando Bloom với kinh phí lên tới 200 triệu USD. Phim xếp thứ 8 trong danh sách các phim có doanh thu cao nhất năm 2004.
Giống như trong câu chuyện gốc, mọi rắc rối, đổ máu được bắt đầu bởi “người con gái đẹp nhất thế gian” là nàng Helen (Diane Kruger). Dù đã là vợ của vua Sparta Menelaus (Brandon Gleeson), cô vẫn chấp nhận đi theo hoàng tử thành Troy là Paris (Orlando Bloom).
Bị xúc phạm bởi hành vi cướp vợ, Menelaus nổi giận và tiến đánh Troy với sự giúp đỡ của người anh Argamemnon (Brian Cox) cùng các chiến binh giỏi nhất Hy Lạp. Trong số ấy, người vĩ đại nhất là Achilles (Brad Pitt) – kẻ có thể khiến hoàng tử bảo vệ thành Troy là Hector (Eric Bana) phải e dè…
Không kéo dài tới 10 năm với sự trợ giúp của thần linh như trong truyện, Troy tập trung hơn vào cuộc đấu trí lực giữa hai phe. Bên cạnh tích “con ngựa gỗ thành Troy” trở thành kinh điển, bộ phim còn có cuộc đấu tay đôi đẹp mắt giữa Achilles và Hector.
Đây là một trong những phim thành công nhất về mặt thương mại trong sự nghiệp của Brad Pitt và còn được đề cử Oscar về thiết kế phục trang.
Clash of the Titans (2010)
Cuộc chiến giữa các vị thần – Clash of the Titans (2010) được làm lại từ bộ phim cùng tên năm 1981, Clash of the Titans xoay quanh tráng sĩ Perseus (Sam Worthington), giọt máu của thần Zeus (Liam Neeson) với một người trần. Anh không biết điều này và sống cuộc đời của một ngư phủ tới khi gia đình bị nhấn chìm trong một thảm họa do các thần linh gây ra. Các vị thần, trong đó có Zeus và Hades (Ralph Fiennes) cảm thấy tức giận khi loài người mất niềm tin vào họ và bắt đầu đưa ra những đòn trừng phạt…
Clash of the Titans có nhiều cảnh hành động hoành tráng, quy mô và chịu nhiều ảnh hưởng từ bom tấn kỹ xảo Avatar (2009). Bộ phim có cùng nam chính tới từ Avatar là Sam Worthington nổi như cồn vào thời điểm đó.
Phim hay về thần thoại Hy Lạp này đem về doanh thu 493 triệu USD và được làm tiếp phần 2 là Wrath of the Titans 2012.
Percy Jackson: The Lightning Thief (2010)
Bộ sách dành cho trẻ em Percy Jackson & The Olympians của nhà văn Rick Riordan gồm năm tập được ra mắt trong khoảng thời gian 2005 – 2009 tính tới nay đã bán hàng chục triệu bản.
Với mong muốn đưa Thần thoại Hy Lạp tới gần hơn với giới trẻ hiện đại, cây bút này đã kể lại cuộc phiêu của Percy Jackson theo một cách mới mẻ và phong cách ấy được giữ nguyên khi đưa lên màn ảnh rộng.
Đây là 2 bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Rick Riordan. Phần 1 – Percy Jackson: The Lightning Thief ra rạp năm 2010 và gặt hái doanh thu 226 triệu USD, mở đường cho Phần 2 – Percy Jackson: Sea of Monsters ra rạp năm 2013.
Trong một cuộc thăm quan cùng cả lớp, Percy bất chợt bị tấn công bởi một quái thú và bị đòi trả lại “tia chớp”. Sau khi chạy thoát được, cậu mới được hay tin mình là con trai của thần biển Poseidon và được đưa tới trại Á thần.Trong The Lightning Thief, khán giả được làm quen với Percy Jackson (Logan Lerman), một cậu thiếu niên sống tại New York mắc bệnh khó đọc nhưng lại có kỳ tài lặn ở dưới nước lâu.
Tại đây, Percy được làm quen với những bạn bè Á thần đồng trang lứa và được sự giúp đỡ của họ để đi tìm tia chớp đã bị đánh cắp. Đây là món vũ khí của thần Zeus và mọi người đều tin rằng Percy chính là kẻ cắp…
Với dàn diễn viên trẻ đẹp, phong cách hài hước năng động và cốt truyện dễ hiểu, The Lightning Thief được đông đảo khán giả trẻ đón nhận dù chất lượng chỉ ở mức trung bình.
Bộ phim đưa các nhân vật huyền thoại tới thế giới hiện đại theo cách mà chưa ai từng thể hiện trước đó như việc cửa ngõ nối giữa đỉnh Olympus tới trần gian là… tòa nhà Empire State ở New York.
Immortals (2011)
Chiến binh bất tử – Immortals (2011) được pha trộn giữa nhiều tích trong Thần thoại Hy Lạp, Immortals nói về cuộc đối đầu giữa tráng sĩ người trần Theseus (Henry Cavill) với vị vua Hyperion (Mickey Rourke). Hyperion là một hoàng đế quyền lực và căm phẫn các vị thần vì đã để gia đình của ông ra đi.
Chìm trong cơn khát máu, Hyperion quyết tiêu diệt thế giới trên Olympus bằng cách đi tìm cây cung Epirus huyền thoại, thứ được cho rằng có thể giải thoát các thần Titan dưới địa ngục Tartaros.
Thần Zeus chọn ra chàng Theseus lãnh đạo loài người chống lại Hyperion và cuộc tìm kiếm của hắn, trước khi Olympus bất tử bị một người phàm khuất phục.
Có nhiều cảnh bạo lực và bị xếp hạng R (không dành cho khán giả dưới 17 tuổi) nhưng Immortals vẫn thu về hơn 200 triệu USD trên toàn cầu. Sau khi gây ấn tượng với vai Theseus, tài tử Henry Cavill được chọn vào vai Superman trong bom tấn Man of Steel.
Cách dàn dựng Immortals gợi khán giả nhớ tới bộ phim 300, từ tạo hình nhân vật đến bối cảnh làng mạc. Tuy nhiên, Immortals chinh phục người xem về mặt thị giác với nhiều trường đoạn đẫm máu, hồi hộp, gây sốc khiến khán giả giật mình. Nổi bật là trận chiến Thermopylae với không khí nghẹt thở, chết chóc. 20 phút bạo lực đẹp mắt cuối phim có thể khiến khán giả đồng loạt trầm trồ.
Đế chế trỗi dậy – 300: Rise of an Empire (2014)
Bảy năm sau thành công của bộ phim 300, hãng Warner Bros tiếp tục thực hiện phần 2 với các trận thủy chiến căng thẳng, kịch tích và mãn nhãn hơn.
Nội dung phim: Sau khi tiêu diệt binh đoàn 300 người của vua Leonidas, vua Xerxes tiếp tục đưa đạo quân Ba Tư của mình đi chinh phạt khắp các thành phố Hy Lạp. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của dũng tướng Themistocles, quân đội thành Athens đã anh dũng bảo vệ lãnh thổ của mình, tạo ra 2 trận thủy chiến lịch sử Artemisium và Salamis.
Những màn đối đầu trong phần 2 này kích thích trí não với nhiều mưu mẹo và chiến thuật hơn hẳn phần 1. Tuy nhiên, cái hay của phim không nằm ở tuyến nhân vật chính diện mà lại nằm ở vai phản diện, nữ thần chiến tranh Artemisia do Eva Green thủ diễn.
Khát máu nhưng quyến rũ, Eva Green đã thể hiện được nội tâm phức tạp và mâu thuẫn của nhân vật. Mối tình tréo ngoe nóng bỏng giữa Artemisia và Themistocles cũng là một điểm nhấn thu hút của phim.