Màu đỏ trong Đèn lồng đỏ treo cao của Trương Nghệ Mưu

Ra mắt vào năm 1991, Đèn lồng đỏ treo cao của Trương Nghệ Mưu là một kiệt tác điện ảnh giúp đạo diễn tài ba này tạo dựng vững chắc vị thế trong nền điện ảnh Trung Hoa. 

Phim lấy bối cảnh năm 1920, nói về thân phận người phụ nữ trong xã hội Trung Quốc và hành trình về làm vợ nhà giàu của Tùng Liên (Củng Lợi đóng), một cô gái 19 tuổi xinh đẹp, có học thức nhưng vì hoàn cảnh gia đình mà phải gác dở lại chuyện học tập để đi lấy chồng. Tùng Liên trở thành người vợ thứ tư (Tứ phu nhân) của Trần Tả Thiên (Jingwu Ma đóng), người đứng đầu Trần gia.

Đèn lồng đỏ treo cao của Trương Nghệ Mưu

Đèn lồng đỏ treo cao là một kiệt tác về hình ảnh của Trương Nghệ Mưu, khi ông đưa vào trong phim sắc đỏ và sắc xanh vốn là những tone màu rất khó thể hiện lên màn ảnh để kể câu chuyện của mình.

Màu đỏ trong Đèn lồng đỏ treo cao của Trương Nghệ Mưu đã được thể hiện rõ ngay từ tựa đề. Đèn lồng được coi là một biểu tượng truyền thống của người Trung Quốc cho đến tận bây giờ. Trong Trần gia, mỗi khi đèn lồng được thắp sáng ở nhà ai, thì người đó đêm nay sẽ có diễm phúc phục vụ Trần Tả Thiên. Đây là khát khao mà bất cứ người phụ nữ nào cũng mong muốn.

Tùng Liên cũng có ao ước này, thậm chí ngay cả khi mình không được chọn, cô vẫn kêu nha hoàn của mình tới mà xóa bóp chân, tận hưởng sự sung sướng, si mê đó.

Vì thế, sắc đỏ từ đèn lồng mỗi khi được treo lên, chính là thắp lên niềm hạnh phúc của người phụ nữ vì họ cảm thấy mình được yêu thương, trân trọng. Nhưng khi màu đỏ của đèn lồng bị hạ xuống, bị trùm lên bởi những chiếc khăn màu đen, gọi là “phong đăng” thì đó là lúc bi kịch bắt đầu. Họ giống như một tấm áo của chồng mình, thích thì mặc, không thích thì cởi ra, vốn dĩ chẳng có giá trị gì.

Đèn lồng đỏ treo cao của Trương Nghệ Mưu

Màu đỏ còn thể hiện ở những bộ y phục trong ngày Tùng Liên về làm vợ, của khăn, của miếng dán trên cửa sổ, của rèm buồng…Màu đỏ trong thế giới của Đèn lồng đỏ treo cao tượng trưng sự cao sang quyền quý của nhà giàu, một nét đẹp đầy trừu tượng đại diện cho nghệ thuật thị giác, cho sự nhục dục khoái cảm của xác thịt.

Nhưng màu đỏ còn là nỗi đau đớn tận cùng của người phụ nữ, là của máu, của trái tim tan vỡ khi sinh ra trong một thời đại mà không có quyền lên tiếng, không có quyền lựa chọn tình yêu, chỉ như một cái bóng vật vờ, là thứ đồ mua vui cho đám đàn ông.

Phân cảnh Tùng Liên thắp sáng hết đèn lồng trong căn phòng của Tam phu nhân, như tưởng niệm cho cái chết của bà. Căn phòng với sắc đỏ bao trùm tất cả, chính là tiếng kêu than khóc của người phụ nữ bị chôn vùi trong kiếp sống trần gian, đến nỗi không thể ngóc đầu lên được.

Việc sử dụng màu đỏ, một tone màu mà nhiều người cho rằng rất khó để đưa lên màn ảnh, nhưng Trương Nghệ Mưu đã kể một câu chuyện đầy ám ảnh dựa trên sắc đỏ ấy. Đèn lồng đỏ treo cao của Trương Nghệ Mưu cho thấy được bi kịch về thân phận của người phụ nữ ở thế kỉ trước, quanh quẩn trong một kiếp sống phù du không có lối thoát.

Tấm áo đỏ ngày Tùng Liên khoác lên người về làm vợ nhà Trần gia, rồi bị cởi ra không thương tiếc. Để rồi đến mùa hạ năm sau, người vợ thứ năm cũng được đưa về trong y phục màu đỏ ngày cưới, đèn lồng vẫn được thắp lên, và chuỗi bi kịch đau khổ ấy vẫn sẽ được tiếp diễn…

Rate this post
Content Protection by DMCA.com